“Kỹ thuật đọc truyện cho trẻ mầm non đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ và tư duy của trẻ. Để việc đọc truyện trở nên hiệu quả, ba mẹ cần chú ý đến một số phương pháp đọc truyện cho trẻ đã được chứng minh bởi nhiều nghiên cứu khoa học. Những phương pháp này không chỉ giúp trẻ phát triển toàn diện mà còn xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa ba mẹ và con cái” - cô Hoàng Hợp, Hiệu Trưởng trường mầm non Phần Lan HEI Schools Saigon Central cho biết.
1. Sử dụng giọng kể biến hóa và phong phú
Một trong những cách hiệu quả nhất để thu hút sự chú ý của trẻ khi đọc truyện là thay đổi giọng đọc cho từng nhân vật trong câu chuyện. Điều này không chỉ giúp trẻ dễ dàng phân biệt giữa các nhân vật mà còn làm cho câu chuyện trở nên sống động và thú vị hơn. Ba mẹ có thể sử dụng giọng cao cho những nhân vật vui vẻ, hóm hỉnh, và giọng trầm cho những nhân vật có tính cách nghiêm nghị hoặc bí ẩn. Điều này sẽ kích thích trí tưởng tượng của trẻ, giúp câu chuyện trở nên sống động hơn.
Tiến Sĩ Neuman và Dickinson trong cuốn Handbook of Early Literacy Research (2011) cũng chỉ ra rằng giọng đọc rõ ràng và biểu cảm là một yếu tố cần thiết và cực kỳ quan trọng để giúp trẻ dễ dàng nắm bắt câu chuyện.
“Việc sử dụng giọng điệu và ngữ điệu trong khi đọc sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng lắng nghe và phân biệt âm thanh, đồng thời làm tăng khả năng tiếp thu thông tin. Ba mẹ có thể kết hợp ngữ điệu cao-thấp để tăng cường sự lôi cuốn.” - cô Gia Ngọc, Trưởng lớp Tiny Tots 3 tại HEI Schools Saigon Central hướng dẫn.
2. Sử dụng hình ảnh và cử chỉ minh họa
Sách tranh hoặc truyện tranh là những công cụ tuyệt vời để thu hút sự chú ý của trẻ. Trẻ em thường rất hứng thú với những hình ảnh màu sắc sinh động, và việc ba mẹ sử dụng những hình ảnh này trong khi đọc có thể giúp trẻ dễ dàng hiểu nội dung truyện hơn.
Ba mẹ hãy chọn truyện phù hợp với độ tuổi và sở thích của con. Ở độ tuổi từ 2-4 tuổi, trẻ thường thích những câu chuyện có hình ảnh minh họa rõ ràng và màu sắc tươi sáng. Bên cạnh đó, trong nghiên cứu “To Read or Not to Read: A Meta-Analysis of Print Exposure From Infancy to Early Adulthood” vào năm 2011 cũng cho thấy việc chọn sách phù hợp với lứa tuổi sẽ giúp trẻ phát triển vốn từ vựng tốt hơn.
“Khi kể chuyện, việc kết hợp các cử chỉ tay, biểu cảm khuôn mặt cũng làm cho câu chuyện trở nên gần gũi và dễ hiểu đối với con trẻ. Việc sử dụng hình ảnh còn giúp trẻ liên kết giữa ngôn ngữ và hình ảnh, từ đó hỗ trợ phát triển khả năng tưởng tượng và khả năng tư duy trực quan. Ba mẹ hãy thử làm động tác hoặc biểu cảm theo diễn biến của câu chuyện. Ví dụ, khi nhân vật chạy, ba mẹ có thể giả vờ chạy tại chỗ. Điều này tạo nên sự kết nối giữa ngôn ngữ và hành động, giúp trẻ dễ dàng hiểu câu chuyện hơn.” - cô Như Quỳnh, Trưởng lớp Pre-Primary tại HEI Schools Saigon Central chia sẻ.
3. Tạo sự tương tác trong quá trình đọc
Một nghiên cứu tại Đại học Cambridge vào năm 1998 có tựa đề Emergent Literacy: Development from Preschoolers to Readers cho thấy rằng việc tương tác với trẻ trong quá trình đọc truyện có thể tăng cường sự gắn kết giữa ba mẹ và con cái, đồng thời giúp trẻ phát triển kỹ năng suy luận và tư duy phân tích.
Thay vì chỉ đọc truyện một cách đơn thuần, ba mẹ có thể tạo ra sự tương tác bằng cách đặt câu hỏi cho trẻ về những diễn biến của câu chuyện, hoặc yêu cầu trẻ dự đoán những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Điều này không chỉ giúp trẻ tập trung hơn mà còn kích thích khả năng tư duy và trí tưởng tượng của trẻ.
4. Thay đổi môi trường đọc truyện
Môi trường đọc truyện cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên trải nghiệm thú vị cho trẻ. Một không gian yên tĩnh, ấm cúng với ánh đèn dịu nhẹ sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái và dễ dàng tập trung vào câu chuyện. Ba mẹ có thể tạo ra "góc đọc truyện" với các đồ vật yêu thích của trẻ như gối, thú bông để tạo ra không gian an toàn và thân thiện, giúp trẻ cảm thấy hứng thú với việc nghe truyện.
“Ba mẹ được khuyến khích chọn những câu chuyện có kết thúc nhẹ nhàng, giúp trẻ dễ dàng chìm vào giấc ngủ. Kết hợp với những lời chúc ngủ ngon từ ba mẹ, tạo không gian an toàn, yên tĩnh để trẻ thư giãn trước khi đi ngủ” - cô Paula Hoppu, Trưởng Bộ Phận Sư Phạm tại HEI Schools Saigon Central cho biết.
5. Duy trì thói quen đọc truyện hàng đêm
Tiến sĩ Kamil và Hiebert (2005) với nghiên cứu Teaching and Learning Vocabulary: Bringing Research to Practice khuyến nghị phụ huynh nên thường xuyên đọc truyện cùng con để tạo ra môi trường gia đình thân thiện và gắn kết và thời lượng đọc truyện hàng ngày từ 10-15 phút là đủ để trẻ duy trì sự chú ý mà không bị quá tải. Việc duy trì đều đặn thời gian đọc truyện trước khi ngủ giúp tạo cho trẻ thói quen yêu thích sách, đồng thời giúp trẻ cảm thấy yên bình và dễ dàng đi vào giấc ngủ.
Comentarios