Trẻ không học qua lời răn đe, trẻ học qua tình yêu kiên nhẫn và hành động nhất quán
- Thắm - Marketing Officer Nguyễn
- 6 thg 6
- 3 phút đọc
Đã cập nhật: 11 thg 6
Chúng ta đã từng kiên nhẫn chờ cả năm để con biết đi, để nghe con gọi “ba, mẹ” lần đầu tiên. Trong từng cột mốc đó, chúng ta đều hiểu, con cần thời gian.
Thế nhưng, khi dạy con cách cư xử đúng mực biết chờ đợi, biết chia sẻ, biết kiểm soát cảm xúc, ta lại thường không kiên nhẫn như khi dạy con đi hay nói. Chỉ sau vài lần nhắc nhở không thành công, không ít ba mẹ đã thở dài hoặc răn đe: “Nói hoài mà con vẫn không hiểu!” Nhưng thực tế là: con vẫn đang học, theo cách của riêng con.

Theo nghiên cứu nổi tiếng của Tiến sĩ Karyn Purvis, Đại học Texas Christian, trẻ cần lặp lại một hành vi đúng khoảng trên 400 lần để ghi nhớ và biến nó thành thói quen tự thân, đặc biệt là với các kỹ năng xã hội và hành vi điều chỉnh cảm xúc. Não bộ của trẻ nhỏ cần nhiều lần thử – sai, cần thời gian và người lớn ở bên làm cùng – không chỉ nhắc nhở.
🌿 Tại HEI Schools, chúng tôi tin rằng: Kỷ luật không bắt đầu bằng sự kiểm soát, kỷ luật bắt đầu bằng kết nối. Trẻ học qua tình yêu kiên nhẫn và hành động nhất quán. Để giúp trẻ hình thành ý thức về giới hạn và hành vi phù hợp, phụ huynh có thể:
✨ Nói ngắn gọn – rõ ràng.
Trẻ nhỏ tiếp nhận tốt nhất những chỉ dẫn đơn giản, cụ thể. “Con bỏ đồ chơi vào giỏ nhé” hiệu quả hơn nhiều so với “Sao con bày bừa hoài vậy?”
✨ Làm mẫu mỗi ngày.
Trẻ học bằng mắt trước khi học bằng tai. Một người lớn biết giữ bình tĩnh, biết chờ đợi, biết nói “cảm ơn” – chính là bài học sống động nhất cho con.
✨ Tạo cơ hội cho con thực hành.
Theo nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Jean Piaget, trẻ nhỏ học thông qua trải nghiệm lặp lại và hành động thực tế. Hãy để con được sai – để có cơ hội học cách làm đúng.
✨ Ghi nhận điều tích cực.
Một lời như “Mẹ thấy con chờ đến lượt rất tốt, mẹ tự hào lắm” có sức lan tỏa hơn cả phần thưởng.

✨ Duy trì sự nhất quán.
Giáo sư Dan Siegel tại Đại Học UCLA (Mỹ) cho rằng trẻ cần môi trường có ranh giới rõ ràng, kiên định để cảm thấy an toàn. Khi giới hạn thay đổi theo cảm xúc người lớn, trẻ không còn hiểu điều gì là đúng – sai.
✨ Đồng hành thay vì chỉ huy.
“Mẹ cùng con dọn đồ chơi nhé?” – là sự kết nối. “Mẹ đã nói bao nhiêu lần rồi?” – là khoảng cách. Trẻ cần bạn ở bên, không phải ở trên.
🎓 Tại HEI Schools, mỗi khoảnh khắc thường nhật đều là một cơ hội học. Chúng tôi mong rằng những chia sẻ nhỏ này sẽ giúp ba mẹ cảm thấy nhẹ lòng hơn trên hành trình nuôi dạy con – không áp lực, không cầu toàn mà chỉ cần kiên định và yêu thương. Nếu con chưa cư xử chưa phù hợp, không sao cả. Điều con cần nhất lúc đó, là một người lớn tin tưởng con, ở bên con, và nói: "Mẹ tin con sẽ làm được, chỉ cần thêm chút thời gian."
Nguồn tham khảo chính:
Purvis, K. B., Cross, D. R., & Sunshine, W. L. (2007). The Connected Child: Bring Hope and Healing to Your Adoptive Family. McGraw-Hill Education.
Siegel, D. J., & Bryson, T. P. (2011). The Whole-Brain Child: 12 Revolutionary Strategies to Nurture Your Child’s Developing Mind. Delacorte Press.
Piaget, J. (1952). The Origins of Intelligence in Children. International Universities Press.
Comentarios