Nhiều phụ huynh tại Việt Nam ngày nay đang đặt mục tiêu cho con em mình trở nên thành thạo tiếng Anh từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít phụ huynh lo ngại rằng việc tập trung vào tiếng Anh sớm có thể ảnh hưởng đến việc phát triển tiếng mẹ đẻ của trẻ. Thực tế, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng một nền tảng tiếng mẹ đẻ vững chắc không chỉ giúp trẻ tự tin hơn trong giao tiếp, mà còn tạo tiền đề vững chắc để trẻ học các ngôn ngữ khác, đặc biệt là tiếng Anh.
Với sự hiểu biết sâu sắc về ngôn ngữ học, cô Paula Hoppu - Trưởng Bộ Phận Sư Phạm & Chương Trình Học tại HEI Schools Saigon Central sẽ chia sẻ đến ba mẹ về vai trò quan trọng của việc phát triển tiếng mẹ đẻ đối với khả năng học tiếng Anh của trẻ Việt Nam, dựa trên những nghiên cứu khoa học uy tín.
1. Ngôn ngữ mẹ đẻ tạo ra sự kết nối giữa tư duy và ngôn ngữ
Theo nghiên cứu có tựa đề Linguistic Interdependence and the Educational Development of Bilingual Children của Tiến sĩ Cummins (1979) từ Đại Học Toronto (Canada), lý thuyết về giao thoa ngôn ngữ (Common Underlying Proficiency) đã chỉ ra rằng kỹ năng ngôn ngữ mà trẻ phát triển từ tiếng mẹ đẻ có thể hỗ trợ rất nhiều trong việc học một ngôn ngữ thứ hai. Nghiên cứu khẳng định rằng khi trẻ thành thạo tiếng mẹ đẻ, các kỹ năng như tư duy phân tích, giải quyết vấn đề, và phát triển từ vựng được chuyển giao một cách dễ dàng sang ngôn ngữ thứ hai, giúp quá trình học tiếng Anh diễn ra mượt mà hơn. Nghiên cứu này đã được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới, cho thấy trẻ em có khả năng nắm bắt ngữ pháp, từ vựng và cú pháp của ngôn ngữ thứ hai nhanh hơn khi con đã thành thạo tiếng mẹ đẻ của mình.
"Nền tảng này đặc biệt quan trọng đối với trẻ Việt Nam, khi tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt) không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn giúp trẻ phát triển tư duy trừu tượng và kết nối văn hóa" - cô Paula chia sẻ.
2. Kỹ năng ngôn ngữ mẹ đẻ giúp phát triển khả năng ngữ âm trong tiếng Anh
Nghiên cứu có tên: Early Language Acquisition: Cracking the Speech Code trên tạp chí Nature Reviews Neuroscience của Tiến sĩ Kuhl (2004), một trong những chuyên gia hàng đầu về khoa học thần kinh và ngôn ngữ, đã chỉ ra rằng trẻ em học ngôn ngữ thông qua "cửa sổ học ngôn ngữ". Trẻ em từ 0-7 tuổi có khả năng nhận diện và phân biệt các âm thanh trong nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, một nền tảng vững chắc về tiếng mẹ đẻ sẽ giúp trẻ phân biệt âm vị trong ngôn ngữ đó tốt hơn và áp dụng được kỹ năng này khi học tiếng Anh. Ví dụ, trẻ Việt Nam có thể áp dụng các kỹ năng phân biệt âm thanh trong tiếng Việt để học các âm trong tiếng Anh, đặc biệt là những âm khó như /th/ hay /r/, vốn không tồn tại trong tiếng mẹ đẻ của con.
Theo nghiên cứu của Kuhl, việc phát triển một kỹ năng ngữ âm vững chắc từ ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ giúp trẻ nhận diện và phát âm chính xác các âm trong tiếng Anh dễ dàng hơn, từ đó cải thiện kỹ năng nghe và nói của trẻ .
3. Ngữ pháp và cấu trúc câu trong tiếng mẹ đẻ hỗ trợ học cú pháp tiếng Anh
Nghiên cứu Bilingualism in Development: Language, Literacy, and Cognition được đăng trên tạp chí của Đại Học Cambridge (Anh) vào năm 2001 đã đưa ra các kết quả thuyết phục sau khi so sánh khả năng học cú pháp và ngữ pháp giữa trẻ em có nền tảng ngôn ngữ mẹ đẻ mạnh và yếu. Kết quả cho thấy, trẻ em với nền tảng tiếng mẹ đẻ tốt có khả năng học cú pháp và cấu trúc câu trong ngôn ngữ thứ hai nhanh hơn nhiều so với những trẻ không có nền tảng vững chắc về tiếng mẹ đẻ. Điều này có thể giải thích bởi việc học cú pháp trong ngôn ngữ thứ hai, như tiếng Anh, yêu cầu một mức độ tư duy trừu tượng mà trẻ đã phát triển từ quá trình học ngữ pháp tiếng mẹ đẻ.
“Trẻ em Việt Nam nếu có nền tảng tiếng Việt tốt sẽ dễ dàng hơn trong việc nắm bắt cú pháp phức tạp của tiếng Anh. Sự tương đồng trong cấu trúc câu giữa hai ngôn ngữ này, chẳng hạn như trật tự từ chủ ngữ-động từ-tân ngữ, sẽ giúp trẻ tiếp thu ngữ pháp tiếng Anh một cách nhanh chóng và tự nhiên” - theo cô Paula Hoppu.
4. Sự tự tin và động lực học tập thông qua tiếng mẹ đẻ
Trẻ em nếu cảm thấy tự tin với ngôn ngữ mẹ đẻ của mình sẽ có động lực hơn trong việc học ngôn ngữ thứ hai. Điều này bắt nguồn từ việc trẻ có thể tự tin sử dụng tiếng mẹ đẻ để tìm kiếm các giải pháp và so sánh với các kiến thức mới từ tiếng Anh. Sự tự tin về tiếng mẹ đẻ không chỉ giúp trẻ cảm thấy thoải mái khi đối diện với ngôn ngữ mới mà còn tạo động lực cho việc học.
Với trẻ em Việt Nam, việc duy trì sự tự tin trong tiếng Việt sẽ giúp chúng tiếp cận với tiếng Anh một cách tích cực hơn. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ em phát triển tốt về mặt ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ có khả năng duy trì việc học ngoại ngữ trong thời gian dài, đạt được trình độ thành thạo ngôn ngữ cao hơn .
Lời khuyên cho các bậc phụ huynh
Từ những nghiên cứu trên, có thể thấy rõ ràng rằng một nền tảng tiếng mẹ đẻ vững chắc là yếu tố quan trọng giúp trẻ học tiếng Anh dễ dàng và hiệu quả hơn. Đối với các bậc phụ huynh tại HEI Schools Saigon Central, việc tạo điều kiện cho con trẻ phát triển tiếng Việt từ sớm không chỉ giúp trẻ tự tin hơn trong giao tiếp hàng ngày mà còn là cơ hội để trẻ phát triển các kỹ năng ngôn ngữ toàn diện, từ đó giúp trẻ dễ dàng tiếp thu và thành thạo tiếng Anh.
Theo cô Paula Hoppu, phụ huynh có thể áp dụng một số hoạt động sau tại nhà để giúp trẻ có nền tảng ngôn ngữ vững chắc:
Đọc sách cùng con: Đọc truyện bằng tiếng Việt sẽ giúp trẻ phát triển vốn từ vựng và tư duy ngôn ngữ, từ đó tạo tiền đề cho việc học từ vựng tiếng Anh.
Khuyến khích trẻ kể chuyện bằng tiếng Việt: Khi trẻ tự kể lại câu chuyện hoặc sự việc xảy ra trong ngày, trẻ sẽ phát triển khả năng biểu đạt bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, từ đó giúp trẻ tư duy logic và diễn đạt tốt hơn trong tiếng Anh.
Thảo luận song ngữ: Cha mẹ có thể thảo luận song ngữ với con về các chủ đề mà trẻ quan tâm. Điều này sẽ giúp trẻ liên kết các kiến thức trong cả tiếng Việt và tiếng Anh một cách tự nhiên.
Về HEI Schools Saigon Central:
Thành lập từ 2004, và đồng sáng lập bởi Đại Học Helsinki, HEI Schools Saigon Central là trường mầm non tiêu chuẩn Phần Lan tại TP. Hồ Chí Minh, trong số 43 trường mầm non HEI Schools (Phần Lan) trên toàn thế giới. Tại mỗi trường HEI Schools, chúng tôi luôn nỗ lực mang đến môi trường giáo dục cá nhân hóa và dựa trên nghiên cứu khoa học.
Comentarios